Nghiên cứu chế tạo và ứng dụng chế phẩm vi sinh đa chức năng

Ngoài việc phát triển ứng dụng của các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vi sinh đã có mặt trên thị trường trong canh tác chè, cà phê, hồ tiêu, các nhà khoa học còn nghiên cứu chế tạo thành công chế phẩm vi sinh đa chức năng (cho cây chè, cây cà phê và cây hồ tiêu) từ các vi sinh vật có ích phân lập từ các mẫu đất trồng.
Trên cơ sở quy trình chung để sản xuất chế phẩm vi sinh của Phòng Công nghệ vật liệu sinh học, Viện Công nghệ Sinh học, các chế phẩm được tối ưu hóa thành phần và điều kiện nuôi cấy để đạt mật độ vi sinh vật hữu ích từ 109 CFU/g trở lên sau 1 tuần cấy vào và đã được theo dõi biến động mật độ VSV theo thời gian bảo quản ở nhiệt độ phòng. Khi nghiên cứu khả năng tồn tại của các chủng vi sinh vật trong chế phẩm các nhà khoa học nhận thấy chúng đều sinh trưởng và phát triển tốt trong chế phẩm. Chế phẩm có thể bảo quản trong 6 tháng ở nhiệt độ phòng (đạt mật độ theo tiêu chuẩn ngành Nông nghiệp TCN 6167-1997). Hoạt tính sinh học của các chủng cũng không bị mất đi sau thời gian bảo quản.

So với các loại phân bón vi sinh nói chung, đây là các loại phân bón vi sinh được đánh giá cao với ưu điểm vượt trội về tính chuyên biệt, phù hợp với mỗi loại đất và cây trồng cụ thể (chè, cà phê và hồ tiêu).
Kết quả nghiên cứu và thử nghiệm thành công Đề tài TN3/C01 sẽ mang lại khả năng ứng dụng đồng bộ các sản phẩm vi sinh trong canh tác chè, cà phê, hồ tiêu ở Tây Nguyên nói riêng và ở các vùng đất trồng có điều kiện tương tự trong cả nước nói chung (như Tuyên Quang, Tân Cương, Thái Bình...), giúp cải thiện chất lượng đất và nâng cao đáng kể năng suất, chất lượng cây trồng, trực tiếp góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam.