Trồng sâm Ngọc Linh trong... 20 ngày

Từ một số tế bào gốc của sâm Ngọc Linh, bằng công nghệ sinh khối tế bào, nhóm nghiên cứu của Học viên Quân y đã thành công trong việc nuôi cấy thành số lượng lớn. Toàn bộ quy trình chỉ mất 10 - 20 ngày, trong khi bình thường phải mất khoảng 6 năm sâm mới cho thu hoạch.

cây sâm Ngọc Linh (có tên khoa học là Panax vietnamensis hay sâm K5, sâm Việt Nam) được phát hiện lần đầu vào năm 1973 tại huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum). Đây cũng là loài nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới.
Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy sâm Ngọc Linh có tác dụng bổ dưỡng toàn thân, tăng sức lực. Khi dùng cho bệnh nhân, phục hồi sức khỏe, bệnh nhân ăn ngon, tăng sức đề kháng đối với những yếu tố độc hại. Khi dùng để điều trị bệnh gan cấp, sâm Ngọc Linh có tác dụng làm chức năng gan hồi phục nhanh chóng và làm giảm khả năng chuyển thành bệnh mãn tính. Ngoài ra, nó còn có tác dụng điều hòa hoạt động tim mạch. Sâm Việt Nam còn thể hiện tác dụng phòng chống xơ vữa động mạch...
Được sự giúp đỡ của Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Quốc phòng và các nhà khoa học Hàn Quốc, Học viện Quân y đã triển khai đề tài "ứng dụng công nghệ Biomass tạo sinh khối tế bào rễ sâm Ngọc Linh”. Đây là công nghệ nuôi cấy tế bào thực vật trong môi trường và điều kiện nuôi thích hợp. Kết quả sẽ cho ra khối lượng lớn tế bào chứa hoạt chất từ một hay một nhóm tế bào ban đầu.
Công nghệ này có ưu điểm vượt trội là thời gian từ khi nuôi cấy đến khi cho thu hoạch rất ngắn, chỉ khoảng 10 - 20 ngày. Nó cũng không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, dịch bệnh, mùa màng... Ngoài ra, chất lượng nguyên liệu ổn định do quá trình nuôi cấy được kiểm soát chặt chẽ, vì vậy phù hợp với sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn GMP.